Dân tộc Tày cư trú ở vùng Đông Bắc Việt Nam, phong tục tập quán của họ cũng có nhiều nét tương đồng với các dân tộc khác trong khu vực như người Kinh, người Hơ Mông, người Sán Rìu… Một trong những tập tục đó là tổ chức lễ hội hát giao duyên trong những ngày đầu xuân. Tiết trời xuân ấm áp trăm hoa đua nở rất phù hợp với không khí lễ hội, và cũng là để cho các đôi lứa nam thanh nữ tú gặp gỡ nhau trong kỳ trẩy hội. Những giờ phút êm đẹp hạnh phúc ấy đã khiến họ xích lại gần nhau hơn. Thế rồi tình yêu nam nữ nảy nở không biết tự lúc nào, họ trao cho nhau những tín vật của tình yêu như tấm khăn, chiếc áo hoặc là chiếc vòng bạc, nhẫn vàng. Sau những ngày dự hội mặn nồng tình cảm ấy, lại là giờ phút chia tay, mỗi người lại trở về làng bản của mình lao động sản xuất. Xa cách nhau song tình cảm yêu thương vẫn không chút phai nhạt, do vậy họ phải dùng chiếc én đưa tin, đó là các bức Phong Slư tình yêu. Nhiều bức Phong Slư tình yêu đã được sao chép thành sách vở gửi lại cho đời sau.