Chuyển tới nội dung

Công thức 5W + 1H

  • bởi
 Who (ai) = nhân vật

Khi viết phóng sự, ta dùng công thức 5W + 1H, giống như khi viết tin. Phóng sự, ký sự, truyện kể luôn có nhân vật – who.

What (chuyện gì) = cốt truyện
Chuyện xảy ra với nhân vật là cốt truyện hoặc hành động, hồi tiểu học đã được học rồi, tức what.
Ví dụ truyện Tấm Cám. Ngày xưa có gia đình nọ, cha mất sớm, dì ghẻ cùng con gái tên Cám nhiều lần hãm hại con chồng là Tấm. Cuối cùng Tấm được làm hoàng hậu; mẹ con Cám thì phải trả giá cho tội ác của mình. Đó là cốt truyện, không có nó khó diễn thành truyện. Có người đã viết lại truyện này, đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10: Tấm chỉ giết Cám, không muối mắm Cám gửi cho dì ghẻ ăn, tức mức độ độc ác thấp hơn.
Ở Hollywood, khi ai đó đem kịch bản tới cho nhà làm phim thì sẽ được đề nghị cho biết cốt truyện. Đôi khi, nó rất đơn giản, ngắn gọn trong một câu. Ví dụ: rắn đang hoành hành gây chết người trên máy bay, hoặc phim về cá mập: cá mập xuất hiện trong vịnh ăn thịt người.
Phim Mỹ hấp dẫn vì truyện là hư cấu, cũng có thể dựa trên nguyên mẫu thật, rồi dùng thêm kỹ xảo điện ảnh. Họ tìm tòi, tìm những cách thể hiện sao cho thật lôi cuốn. Nhưng hồn cốt của loại phim đó đều nằm ở câu chuyện. Trong đó có nhân vật, bối cảnh… Nhân vật trong bộ phim Hàm cá mập là cá mập hung dữ; con người chỉ đóng vai phụ.
Trong mỗi một con người đều có hai phần: phần con và phần người. Phần người xem ra lại ít hơn phần con. Những loại phim nói trên luôn đánh vào phần con. Xem cá mập ăn thịt người khác thì cảm thấy thích. Hoặc chuyện đánh nhau, đánh người khác nhiều người bu lại coi; đừng đánh mình là được. Hoặc xe tông, cũng tới xem.
Phim Hollywood của Mỹ giải quyết vấn đề cực kỳ giỏi. Họ có những bậc thầy trong nghề cầm bút viết được nên những truyện hay. Phóng sự, về thực chất là một dạng kịch bản được xây dựng trước rồi viết ra. Khi làm phim hoặc chương trình truyền hình, chúng ta cũng luôn viết kịch bản trước. Chắc chắn những bạn làm đài truyền hình đều biết phải có kịch bản. Trình cho lãnh đạo là trình kịch bản. Thường còn phải nói sơ cốt truyện cho ông hoặc bà, cô ấy biết.
Where (ở đâu) = bối cảnh
Một câu chuyện luôn xảy ra ở một địa điểm cụ thể, trong một không gian nhất định. Đó là where. Tất nhiên có những chuyện không gian trải dài, xảy ra ở những nơi khác nhau, chẳng hạn, ở Kiên Giang và TP.HCM.
When (khi nào) = thứ tự thời gian
Đối với when thì thời gian cô đọng vẫn tốt hơn, cho dù có những câu chuyện kéo dài theo năm tháng.
Why (tại sao) = động cơ hoặc nguyên nhân
Rồi đến lý do chuyện xảy ra, tức động cơ, nguyên nhân – why. Ví dụ một vụ án giết người có động cơ là thù oán, ghen tuông, nhưng nhiều khi lại do ngộ sát, không có động cơ rõ rệt. Giống như công an, mình cũng phải đi tìm nguyên nhân.
How (như thế nào) = qui trình, chuyện đó xảy ra như thế nào
Thường có hai cách kể chuyện chính: tuần tự nhi tiến hoặc cắt lát. Nếu bạn kể hay, báo nào cũng đăng. Kể hay đây tức là kể như thế nào – how – cho hay. Bởi có nhiều chuyện hấp dẫn nhưng người viết không biết cách kể.
Ví dụ gặp ông Dư Thanh Khiêm, người đang muốn thúc đẩy, đưa chó Phú Quốc lên lại tầm thế giới, nghe ông kể chuyện rất là hay. Nhưng về lại không biết kể cái gì. Như thế rất uổng. Ngoài chuyện mê chó Phú Quốc, ông còn mê sưu tầm sách cổ Việt Nam và cả bản đồ cổ như bản đồ Trường Sa, Hoàng Sa xưa. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *