Chuyển tới nội dung

Qui tắc chung khi viết Phóng sự

  • bởi
Phải có dàn bài

Khi viết về việc gì, chuyện gì, trước hết bạn phải có dàn bài. Hồi nhỏ đi học thầy cô bắt làm dàn bài, giờ lớn lên lười không làm nữa.

Mình viết gì cũng phải có cấu trúc, có dàn bài chi tiết thì bài mới không bị lộn xộn và mới có thể hay được. Viết quanh năm suốt tháng thì ý tưởng sẽ đến lúc phải cạn. Vậy bạn nên dựa vào dàn bài mà thực hiện bài vở.
Hầu hết các nhà văn giỏi đều làm dàn bài rất công phu, từ đó mới viết tiểu sử nhân vật A thế nào, nhân vật B ra sao… Dĩ nhiên người có văn tài đặt bút viết là có tác phẩm hay. Thật ra, họ đã chuẩn bị, nghiền ngẫm trong đầu chứ không phải tự nhiên mà có thể nhả ngọc phun châu.
Nguyên tắc căn bản của người viết chuyên nghiệp là bao giờ cũng làm dàn bài, để viết bài dễ hơn, không bị rối, không bị khựng. Nhưng cũng có một số người chuyên nghiệp không làm dàn bài, nhưng chuyên nghiệp lỡ cỡ như chúng ta thì đều cần làm dàn bài hết.
Làm dàn bài là phải có ý chính, như một cái cây, từ đó dẫn ra nhiều ý phụ. Ý phụ có cấp một, ý phụ cấp hai, tựa những cành lá.
Tất cả đều có khuôn khổ, phân đoạn như hồi nhỏ các bạn đã được học.
Câu ngắn, đoạn ngắn
Giờ chúng ta hãy thảo luận về quy tắc hành văn. Viết tiếng Việt hoặc bất cứ thứ tiếng nào cũng nên chú trọng viết câu ngắn, đoạn ngắn, đừng dây cà ra dây muống. Những người viết câu 100 chữ thường bị sai ngữ pháp.
Nên ngắn gọn cả về mặt ý: mỗi câu một ý hoặc hai ý, nếu phức tạp lắm thì ba ý. Đương nhiên, không nên viết kiểu thơ con cóc: “Con cóc trong hang. Con cóc ngồi đó. Con cóc nhảy ra…”. Nên viết: “Ngày xửa ngày xưa có con cóc tía sống với vợ con trong hang. Ngày nọ, cóc con đi học đến tối chưa thấy về, cóc cha sốt ruột quá, tìm đến trường tiểu học cách nhà mình hơn hai cây số để tìm con”. Nhưng đừng nói: “Cóc cha là con cóc to lớn, ngày kia phải đi tìm con và con của nó cũng to như nó…” Làm thế câu văn sẽ lộn xộn, dễ trật ngữ pháp.
 Đáng tiếc là hiện nay nhiều người viết kiểu như vậy. Các biên tập viên phải ra sức sửa lỗi cho họ. Rất mệt. Không ít người học ngành báo chí nhưng không viết đúng tiếng Việt. Học văn, tiếng Việt từ tiểu học thì không thể nói rằng việc viết đúng tiếng Việt là do năng khiếu.
Đúng chính tả, ngữ pháp
Các bạn cần lưu ý thêm: viết tiếng Việt phải đúng chính tả, ngữ pháp. Thầy giáo có cái tài là hay dọa học trò. Chuyện rất đơn giản thì biến thành phức tạp. Rồi từ phức tạp, dạy lại cho thành đơn giản.
Nghe nói “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, các bạn có ấn tượng là khó, chứ thật ra tiếng Việt là một trong những loại ngôn ngữ dễ nhất trên thế giới đầy ngôn ngữ phức tạp này.
Tôn trọng các quy định về viết lách của cơ quan
Viết lách trong báo chí cũng luôn phải theo các quy định do từng tờ báo lập ra. Có báo cho viết Hoa Kỳ, đô la Mỹ; có tờ buộc viết Mỹ, USD.
Tuân thủ quy trình biên tập

Nếu biết trân trọng nghề nghiệp của mình thì các bạn phải tuân thủ quy trình biên tập. Khi viết xong, dứt khoát phải tự sửa trước rồi gởi bài cho người khác xem lại để tránh sai sót. Ở bên Tây, một dịch phẩm sau khi xong phải đưa cho hai người coi lại: biên tập viên sơ cấp, biên tập viên cao cấp. Sau đó còn gửi cho ba biên tập viên thượng thặng về lĩnh vực đó soát xét lần nữa, rồi mới xuất bản. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *