Chuyển tới nội dung

Bốn cách viết chính

  • bởi
Hãy trở lại với thuật kể chuyện. Chúng ta có bốn cách kể : theo thứ tự thời gian; đồng hồ cát, đồng hồ cát biến thể; bố cục tâm điểm; bố cục theo chương, hồi.
Thứ tự thời gian
Trong bốn cách kể chuyện, kể theo thứ tự thời gian là đơn giản, dễ hiểu và dễ viết nhất. Ai kể cũng được. Chúng ta cứ lần lượt kể theo thứ tự từ đầu đến cuối: khởi đầu nhè nhẹ, từ từ dẫn đến đoạn gay cấn, rồi mở gút kết thúc. Thậm chí ngày mai các bạn sẽ làm như vậy là chính.
Các truyện cổ tích đều viết theo thứ tự thời gian. Ví dụ truyện “Cô bé quàng khăn đỏ”: một hôm cô bé quàng khăn đỏ đi tới nhà bà. Bà đã bị sói ăn thịt. Sói lại giả làm bà, để hòng ăn thịt cô bé tiếp.
Một ví dụ khác: Có một bà bán dưa, một hôm, vứt vỏ dưa ra giữa đường. Sau đó, có một chiếc xe gắn máy Air Blade 125cc đời mới, trị giá bốn mươi tám triệu, chạy tới đụng vỏ dưa, té xuống. Đôi nam, nữ ngồi trên xe đang cười hớn hở, bỗng dưng tắt thở.
Câu chuyện được thể hiện tuần tự theo thời gian: khoảng bảy giờ, bà bán dưa bày hàng ra. Bà bán được một lúc. Bảy giờ rưỡi, khách mua dưa ăn, bà quăng vỏ ra đường. Tám giờ, một đôi nam nữ đi xe Air Blade chạy ngang, đụng vỏ dưa. Tám giờ một giây đôi nam nữ té xe. Vài người chạy tới coi. Tám giờ rưỡi, nạn nhân được chở vô nhà thương. Chín giờ, họ qua đời.
Vị trí của cao trào
Cao trào thường là ý chính, điều muốn nói. Khi kể chuyện thì phải luôn luôn dẫn dắt tình tiết đến cao trào. Cao trào thường nằm ở gần cuối bài.
Cấu trúc thứ tự thời gian
Kể lại sự kiện từ đầu đến cuối có thể được biểu diễn bằng hình tháp xuôi. Nhiều nhà báo không học chính quy cũng thường viết bài tin theo kiểu này.
Đúng ra, viết tin phải theo hình tháp ngược, không nên theo hình tháp xuôi. Tức là chuyện chi nói lẹ ra đi, không nên tới cuối cùng mới biết chuyện.
Nhưng đặc trưng của cách viết theo thứ tự thời gian là diễn giải theo hình tháp xuôi. Ví dụ, truyện “Ăn khế trả vàng”: ngày xưa … rồi tới chuyện người em giàu có, người anh chết.
Nếu viết theo hình tháp ngược thì viết người anh chết, người em sống và giàu có. Sau đó, kể ngược lại. Không cần phải kể từ đầu tới cuối, mà chỉ lấy những đoạn chính: người anh chết. Người em sống giàu có. Người anh vì tham lam, đã ôm quá nhiều vàng. Do chở nặng, chim bay không nổi, nên đã hất ông xuống biển. Người em thiệt thà, lấy đúng túi ba gang mà đựng, nên trở về an toàn, sau đó trở nên giàu có.
Các bạn có thể kể ngược lại thêm chút nữa: gia đình nọ có hai anh em. Khi cha mẹ chết, người em được cây khế, còn người anh lấy cái nhà to, v.v. Đây mới chính là hình tháp ngược, nhưng diễn giải như thế câu chuyện sẽ không hấp dẫn.
Đồng hồ cát (và biến thể)
Cách viết theo kiểu đồng hồ cát thường được dùng để kể những câu chuyện có kịch tính cao.
Các nhà báo phương Tây sử dụng cách viết này rất nhiều. Những bài báo hay, nổi tiếng đều viết theo lối đồng hồ cát. Họ còn dùng cách này cho những bài nội dung khó, để cho dễ hiểu. Kiểu này giống hai cái tam giác đối đầu nhau. Hình tháp ngược nằm ở trên đối ngược với hình tháp xuôi bên dưới
Đặc biệt, tờ báo về kinh tế, thương mại nổi tiếng Wall Street Journal, được cho là “kinh thánh của giới kinh doanh”, luôn luôn dùng cách viết đồng hồ cát cho hầu hết các bài dài. Tại sao? Vì viết về kinh tế thương mại thường rất khó và khô khan. Họ viết kiểu này để người đọc cảm thấy hấp dẫn, dễ hiểu.
Tòa soạn Wall Street Journal thường mở những lớp dạy chuyên đề về viết phóng sự theo kiểu đồng hồ cát dành cho phóng viên.
Đồng hồ cát là cách kể chuyện tự nhiên nhất. Cách này rất phù hợp với bài chân dung hoặc bài viết về những vấn đề liên quan, xoay quanh một sự kiện sắp diễn ra.
Ví dụ: trước ngày lễ về anh hùng Nguyễn Trung Trực, có thể viết một bài phóng sự, kể chuyện một thanh niên muốn tìm hiểu về Ông.
Hoặc như hôm nay là Noel, vài ngày trước, các bạn có thể viết về một người sùng đạo. Người này nghĩ về lễ Noel, mường tượng ra ngày lễ mình sẽ làm những gì.
Vị trí của cao trào
Ý chính, kết cục của câu chuyện, kịch tính cao độ, chuyện kỳ lạ, chuyện mới nhất… phải được đưa đưa ngay lên, gần đầu bài. Nói chung, phải đưa phần tin trực thuật lên trên. Làm thế để thỏa mãn những độc giả muốn biết thông tin nhanh.
Thực hiện bố cục đồng hồ cát
Để viết theo kiểu này, ta viết theo hình tháp ngược trước. Rồi đến đoạn chuyển mạch. Sau đó ta kể lại câu chuyện theo hình tháp xuôi. Tức tường thuật sự kiện vừa nêu theo thứ tự thời gian: giờ một, giờ hai, giờ ba. …
Các bạn cần dùng câu chuyển mạch để kết nối ý chính được viết theo hình tháp ngược với phần diễn giải theo hình tháp xuôi. Ví dụ: Trận đấu diễn tiến như sau; Các nhân chứng đã cho biết chuyện sau đây; Nạn nhân đã kể lại sự việc sau; Cảnh sát cho biết chuyện xảy ra như thế này.
Chuyển mạch, không cần liên tục trích nguồn ở các đoạn sau, nhưng đừng quên trích nguồn khi đổi người nói. Khi chứng kiến sự kiện, không cần trích nguồn.
Ta có thể mường tượng như thế này: khi viết về bóng đá, chẳng hạn, chuyện đầu tiên cần nói là tỷ số. Sau đó, từ từ kể lại diễn tiến của trận đấu. Với kiểu này ta cũng đưa ý chính lên đầu, rồi làm một đoạn chuyển mạch, kể diễn tiến câu chuyện; đôi khi phải trích nguồn, nhưng không cần trích nhiều.
Kể chuyện công an đi bắt quân gian, viết theo kiểu này thì rất phù hợp.
Đồng hồ cát biến thể
Đối với đồng hồ cát biến thể, ta sẽ tóm tắt tin chính ở phần đầu, nhưng một chút xíu thôi, không cần viết ra hết tin trực thuật. Sau đó kể lại sự kiện theo thứ tự thời gian, theo hình tháp xuôi.
Không có các đoạn diễn giải kiểu hình tháp ngược.
Không cần cả đoạn chuyển mạch.
Bố cục tâm điểm (DEE)
Bây giờ, ta tìm hiểu cách viết theo bố cục tâm điểm. Đây là thủ pháp của nhà văn. Họ viết cái nhỏ để nói cái lớn, viết một phần để nói tổng thể, viết một người nhưng nói được thân phận hàng triệu người.
Các tác phẩm đoạt giải Nobel văn chương, chẳng hạn của tác giả Cao Hành Kiện hoặc Hemingway, đều viết về thân phận của cả nhân loại, chứ không phải con người địa phương.
Hoặc Truyện Kiều của Nguyễn Du, tại sao được lưu truyền muôn đời? Vì tác phẩm nói lên được thân phận con người xuyên thời gian, đối với Việt Nam mình: chuyện nàng Kiều truân chuyên, trắc trở; anh hùng Từ Hải chết đứng… Những hình tượng người Việt Nam thời nào cũng thích cả.
Viết theo bố cục tâm điểm là cách viết quan tâm đến con người, áp dụng vào phóng sự thì tuyệt vời. Đây là lối viết trần thuật, có miêu tả, nhưng có thêm phần giải thích và đánh giá.
Các bạn lưu ý: phải khép góc, chỉ nói một vấn đề thôi. Nói nhiều vấn đề quá, bài viết sẽ lan man, không bật được ý chính.
Bố cục DEE nguyên mẫu cũng là của báo Mỹ. D có nghĩa là Description: miêu tả; E là Explanation: giải thích; E là Evaluation: thẩm định. Bố cục này thường được dùng để viết điều tra. Áp dụng cho phóng sự cũng được, nhưng phải dụng công cao hơn, phải có công phu, quan sát, phỏng vấn và thu thập tư liệu.
Tư liệu bây giờ các bạn thu thập rất dễ nhờ Google, nhưng luôn phải thẩm định.
Ba phần của DEE
DEE gồm có ba phần: mở bài, thân bài và kết luận. Kết luận thường là quay lại với nhân vật chính ở đầu bài, hoặc với hình ảnh đã đưa ra ở đầu bài.
Phần khởi, tức mởi bài, ta sẽ đưa ra một giai thoại về nhân vật, để người này nói. “Thời hàn vi, tôi chạy xe ôm, bán báo dạo ngoài đường….”. Qua đó cho thấy nhân vật là một người thủa hàn vi đã rất chịu cực, chịu khó.
Hoặc miêu tả nơi chốn. Phải làm sao cho thấy cảnh nghèo của ông ta và bây giờ ông ta ở biệt thự bên Phú Mỹ Hưng. Miêu tả đối chọi, nhưng phải có ý nghĩa, làm nổi bật chuyện thành đạt của ông ta.
Cũng cần dùng câu chuyển mạch. Ví dụ: “Bây giờ ông ấy là doanh nhân thành đạt, chuyên giúp đỡ nông dân…”.
Trong phần thân bài, chúng ta sẽ trình bày, làm rõ vấn đề chính. Thông tin cần được sắp xếp theo tầm quan trọng giảm dần. Sau đó phải đưa thêm ý kiến chuyên gia vào.
Ở phần kết luận, chúng ta quay trở lại nhân vật mình giới thiệu ban đầu. Nhà văn kết luận bằng nhiều kiểu: họ nói về nhân vật: “…ngồi trong một quán cà phê, đôi mắt nhìn xa xăm…”. Hoặc “Sau đấy, … đã tìm ra được người yêu của mình và hai người sống đời hạnh phúc”.
Viết theo bố cục tâm điểm, bạn cần tập trung vào cá nhân, chuyển qua một vấn đề lớn hơn liên quan tới cá nhân đó, rồi diễn giải ra. Sau đó, đưa ý kiến chuyên gia hoặc của chính bạn nhằm thẩm định vấn đề đã nêu. Để kết thúc, bạn nên quay lại với nhân vật hoặc hình ảnh của phần mở đầu.
Bố cục chương, hồi
Bố cục chương, hồi thường dùng cho những bài diễn cảm dài, bài tường thuật sâu, bài điều tra công phu, là cách viết của những người muốn thách thức với chính mình. Nó luôn được độc giả tán thưởng
Thực hiện bố cục chương, hồi
Bố cục chương, hồi giống như viết truyện: có chương, có hồi, chuyển mạch qua phần thứ 2, thứ 3, thứ 4… Cấu trúc chương, hồi cũng có phần mở đầu, thân bài, rồi cú hậu, tức kết luận.
Thông tin được chia thành cụm, giống chương của sách, hồi của kịch.
Mỗi cụm là một phần riêng biệt, nội dung tương đối trọn vẹn, có phần khởi và phần kết thúc hấp dẫn thúc đẩy độc giả đọc tiếp.
Mỗi cụm được nối với nhau một cách hợp lý.
Có phần khởi hấp dẫn; có đoạn hạt nhân.
Giống các bố cục trần thuật khác, bài phải có ý nghĩa và ý chính rõ ràng

Đặc biệt, bạn phải luôn luôn làm dàn bài, như vậy bài sẽ có cấu trúc. Viết theo bố cục thì người đọc thấy dễ chịu; nếu không, bài sẽ lộn xộn, rối rắm, khó hiểu. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *