Chuyển tới nội dung

THỰC HÀNH VIẾT TIN

  • bởi

Hướng dẫn

Bây giờ thì đến thực hành; các bạn chia nhóm ra. Mỗi nhóm bốn người, suy nghĩ một đề tài; có thể đi chung để săn tin. Nhưng mỗi người phải tự thể hiện đề tài đó, viết một bài mới nộp qua email. Không được lấy bài cũ ra nộp.
Làm nghề báo là phải đi, gặp, nhìn, suy nghĩ, rồi về viết. Suốt ngày chỉ tơ tưởng tới chuyện đó thôi. Các bạn luôn phải viết, rồi sẽ được bổ sung, nói ưu điểm và nhược điểm của từng người. Từ đó các bạn sẽ làm được tốt.
( Nước uống miễn phí ven đường cũng là đề tài. )
Có thể viết một bài phóng sự, đề tài quen thuộc cũng được, sáu trăm chữ; tối đa là một ngàn chữ. Viết càng cô đọng càng tốt nhưng không viết bừa.
Tất cả các bài đều có thể được đưa lên Blog hoặc Facebook. Các bạn nên lập một trang Facebook cho lớp này.
Thời gian biểu của chúng ta sẽ như sau: sáng nay, đại diện nhóm trình bày đề tài. Chiều nay, đi làm bài. Chiều mai, hai giờ quay lại lớp sửa bài. Ngày mốt, nguyên ngày, cũng chỉ dành để sửa bài.
Trong khi làm bài có những thuận lợi, khó khăn gì thì báo liền.
Đại diện nhóm trình bày đề tài
GV : Làm phóng sự về lớp này cũng được. Giờ ai trình bày?
SV : Nhóm em dự định viết phóng sự Nỗi lo ngày Tết.
GV : Nỗi lo ngày Tết, đó mới chỉ là đề tài thôi. Vậy chủ đề là gì?
SV : Chúng em tập trung phản ánh những người lao động nghèo khó phải
lo cơm, áo, gạo, tiền, và cả quần áo cho con em, … vì sắp tới Tết rồi.
GV : Cũng mới chỉ là đề tài thôi, còn chủ đề nữa. Các bạn phải khép góc lại.
Đề tài là người nghèo; chủ đề, nỗi lo ngày Tết. Cần thêm cách nhìn của mình về nỗi lo của họ. Họ phải tập trung lo cái gì.
SV : Nhóm em sẽ xoáy sâu vô những người không có nhà, phải ở trọ.
GV : À, nỗi lo ngày Tết của người ở trọ, khép góc lại chút xíu rồi. Giờ mình phải mường tượng ra, nỗi lo đó như thế nào. Có thể sai, có thể đúng, chưa biết.
Nhưng phải mường tượng ra trước. Và chỉ tập trung vào một người thôi.
( Học viên trao đổi, thảo luận đề tài với giảng viên. )
SV : Chúng em mỗi bạn tìm ra một người, có thể là người bán vé số hoặc bán khoai chẳng hạn, rồi kể về cuộc sống, thu nhập hằng ngày của họ.
GV : Phải chọn một trong hai trường hợp. Nỗi lo của những người ở trọ không biết rằng Tết tới có được ăn Tết hay không. Đấy là góc nhìn. Những người này không biết mình có đón Tết được hay không. Hoặc người bán vé số, bán khoai.
Chủ đề của mình là người nghèo đón Tết với nỗi lo không biết có Tết cho mình và gia đình mình hay không. Ý chính cũng ở đấy. Còn lại là vấn đề thể hiện: phải ra chữ.
Khi gặp nhân vật thì nhớ chụp hình. Chụp đơn giản thôi, nhưng muốn cho công phu vẫn được. Đổi đề tài cũng không sao. Các bạn cử ra tổ trưởng để làm công tác điều khiển. Rồi, đến nhóm này.
SV : Đề tài của nhóm em là thợ hồ, và chủ đề là nữ thợ hồ. Nhóm em sẽ chọn một tấm gương nữ thợ hồ điển hình, rồi đặc tả, tập trung vào một người để làm nhân vật chính trụ xuyên suốt trong bài. Mở đầu bài viết có thể là hình ảnh những ngôi nhà mới khang trang mọc lên khi Tết đến, với sự góp sức của những người thợ xây. Trong đó đặc biệt có công sức của một người nữ mà làm thợ hồ.
Sẽ đặc tả về nhà của người nữ thợ hồ này, công việc hằng ngày của cô: bước ra khỏi nhà, làm việc như thế nào, mồ hôi ra như thế nào, về nhà với gia đình con cái ra sao. Kết lại là sự trăn trở: không biết đến bao giờ mới có ngôi nhà đẹp như những ngôi nhà do tay mình góp phần xây nên.
GV : Đó là công thức cổ điển. Đề tài có, chủ đề có, nhưng ý chính là gì?
SV : Ý chính là nói lên ước mơ có ngôi nhà và những khó khăn cực nhọc của một người phụ nữ làm nghề thợ hồ.
GV : Điều bạn vừa nói thành chi tiết mất rồi nhưng thể hiện góc nhìn của mình về ước mơ đó cũng được. Nãy giờ các bạn chỉ trình bày đề tài cổ điển. Nhưng vấn đề đối với phóng sự là viết hay, nếu không đâu có ra phóng sự. Chiều nay các bạn cần họp nhau làm dàn bài chi tiết, nêu lên góc nhìn về đề tài đó. Người thợ hồ ước mơ về một ngôi nhà và không biết lúc nào có được. Quanh năm suốt tháng đi xây cho người ta mà phận mình phải đi ở thuê… Trình bày chi tiết ra. Nhưng nhân vật đã có chưa hay mới nghĩ ra?
SV : Dạ, nhân vật có rồi nhưng không biết có điển hình không, nhóm em định tìm thêm vài người nữa.
GV : Ừ, tùy các bạn. Nhưng đừng pha trộn, chỉ dùng một thân phận để nói lên nhiều thân phận trong nghề thợ hồ. Nói về lương, tiền của họ, đủ thứ… vì sao không mua nhà được, … Viết từ 600 chữ tới 800 chữ, có sự so sánh sơ sơ mới hay. Ăn thua ở công phu của các bạn, phỏng vấn được khá thì có thể viết dài.
Gặp người nói ít thì chịu thua thôi. Họ là thợ hồ, nhiều hồi không thể hiện được hết ý của họ nên phải cẩn thận.
Có thêm tư liệu về nghề xây dựng ở Kiên Giang thì đưa thêm vào vài nét; đừng dùng quá nhiều.
SV : Em có ý kiến: thành phẩm của em một là báo in, hai là truyền hình.
Thầy có thể cho tụi em đêm nay để chuẩn bị, sáng mai thầy chỉnh sửa bài ghi hình của em, bài được dàn dựng như một phóng sự riêng.

GV : Phóng sự truyền hình được quá đi chứ, làm dàn bài rồi gặp lại tôi vào sáng mai. Các nhóm kia muốn kỹ – gặp tôi sáng mai – cũng được. Ghi hình luôn thì quá tốt, có thể dùng máy của cá nhân, rồi đưa lên Youtube và Facebook. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *